Di truyền học là một ngành khoa học hiện đại và quan trọng giúp cho chúng ta hiểu rõ hơn về các đặc điểm và tính trạng được di truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Di truyền không chỉ giải thích được tại sao các đặc điểm như màu mắt, tóc và chiều cao được kế thừa mà chúng còn được sử dụng trong việc chẩn đoán các bệnh lý di truyền có thể truyền từ cha mẹ sang con cái. Vậy di truyền là gì? Có những đặc tính nào mời các bạn cùng theo dõi bài viết sau đây.
Di truyền là gì?
Di truyền là hiện tượng truyền đạt các tính trạng của (bố mẹ, tổ tiên) cho các thế hệ con cháu. Ví dụ người bố và con trai họ có đôi tai rất giống nhau, thì được nhận định rằng “Người bố đã di truyền đặc điểm này cho con của mình” hoặc “Con trai đã được di truyền đặc điểm tai của người bố”.
Trong sinh học và di truyền học, di truyền chuyển những đặc trưng sinh học từ một sinh vật cha mẹ đến con cái và nó sẽ đồng nghĩa với việc di chuyển gen, gen thừa nhận mang thông tin sinh học (hay thông tin di truyền). Ngoài ra các đặc điểm về tính cách, nhận thức và tư duy của con cái cũng có thể được tiếp nhận từ cha mẹ thông qua môi trường sinh hoạt gia đình (các thói quen, gia phong, nề nếp).
Có bao nhiêu loại di truyền
Di truyền có thể được chia ra thành nhiều loại khác nhau dựa trên cách thức và phạm vi mà các đặc điểm di truyền sẽ được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Một số loại di truyền phổ biến như:
- Di truyền trội và lặn: Gen trội sẽ biểu hiện ra bên ngoài (ví dụ: tóc xoăn nếu gen xoăn là trội). Còn gen lặn chỉ biểu hiện khi có 2 bản sao lặn giống nhau (ví dụ: bệnh lý di truyền thường xuất hiện khi cả bố và mẹ đều mang gen bệnh lặn).
- Di truyền liên kết giới tính: Các đặc điểm di truyền cũng có thể được di truyền qua các nhiễm sắc thể giới tính (X, Y). Các bệnh như mù màu, bệnh máu khó đông thường được di truyền theo hình thức liên kết giới tính, đặc biệt là ở nhiễm sắc thể X.
- Di truyền đa gen: Các đặc điểm như chiều cao, màu da được quy định bởi nhiều gen khác nhau. Di truyền đa gen phức tạp hơn và phụ thuộc vào sự tương tác giữa các gen.
- Di truyền ngoài nhân: ADN không chỉ có trong nhân tế bào mà một lượng nhỏ ADN cũng còn tồn tại trong ty thể. Sự di truyền từ ty thể chỉ được truyền từ mẹ sang con.
Những đặc tính của sự di truyền
Di truyền là sự truyền đạt thông tin di truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác và thông tin di truyền sẽ được lưu giữ trong DNA, nằm trong nhân tế bào. Khi sinh sản, một phần DNA từ bố và mẹ sẽ được truyền lại cho con, tạo nên bộ gen đặc trưng. Dưới đây là một số những đặc tính quan trọng của di truyền bạn cần biết:
- Tính đặc trưng riêng: Mỗi người có một bộ gen duy nhất, trừ trường hợp sinh đôi cùng trứng. Gen quyết định các đặc điểm như màu tóc, màu mắt, nhóm máu, chiều cao, thậm chí cả xu hướng về tính cách và nguy cơ mắc bệnh.
- Sự kết hợp ngẫu nhiên: Gen từ bố và mẹ kết hợp hoàn toàn ngẫu nhiên nên con cái có thể mang những đặc điểm không hoàn toàn giống bố mẹ mà là sự pha trộn độc đáo từ cả hai.
- Ảnh hưởng đến sức khỏe và bệnh lý: Một số gen có liên quan đến các bệnh di truyền như: tan máu bẩm sinh (thalassemia), hemophilia, ung thư di truyền (BRCA1, BRCA2), bệnh lý tim mạch…
- Tính ổn định và khả năng biến đổi: Thông tin di truyền thường ổn định, tuy nhiên vẫn có thể xảy ra đột biến gen do tác động từ môi trường hoặc lỗi tự nhiên, làm thay đổi đặc điểm của cá thể hoặc dẫn đến bệnh lý.
Ứng dụng của di truyền trong đời sống và y học
Ngày nay với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học hiện đại đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ sinh học thì di truyền học đã có những đóng góp quan trọng trong nhiều lĩnh vực từ y học đến nông nghiệp và pháp y. Một số ứng dụng phổ biến của di truyền như:
- Trong y học: Di truyền được ứng dụng trong y học giúp chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa được các bệnh liên quan về di truyền giúp làm giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh và tăng cường sức khỏe.
- Trong nông nghiệp: Ứng dụng kỹ thuật di truyền đã giúp cải thiện năng suất và chất lượng cây trồng, vật nuôi. Việc sử dụng các loại giống cây trồng và vật nuôi có nguồn gen kháng bệnh tốt sẽ giúp tăng năng suất và đảm bảo chất lượng.
- Trong pháp y: Xét nghiệm ADN là một phương pháp xác định quan trọng trong pháp y giúp xác định được danh tính của người phạm tội và giải quyết các vụ án phức tạp.
Có thể thấy di truyền là nền tảng của sự sống chúng không chỉ ảnh hưởng đến mỗi cá nhân mà còn góp phần quyết định đến tương lai của nhân loại. Việc hiểu biết về di truyền là gì và ứng dụng của nó có thể giúp cho chúng ta cải thiện được chất lượng cuộc sống và phát triển những công nghệ mới để giải quyết những thách thức trong y học và khoa học.
>> Xem Thêm: So sánh ADN và ARN: Có điểm giống và khác nhau?