Nếu bạn đang có nhiều băn khoăn về căn bệnh cao huyết áp (tăng huyết áp) và không hiểu rõ nguyên nhân, triệu chứng hay cách điều trị bệnh như thế nào là hiệu quả thì hãy tham khảo thông tin hữu ích này. Ngoài ra, bài viết còn mang đến câu trả lời cho việc “bệnh cao huyết áp có phải là bệnh di truyền hay không?” – Một câu hỏi được những bệnh nhân mắc chứng huyết áp cao cực kỳ quan tâm.
Cao huyết áp là bệnh lý phổ biến trên toàn thế giới, được các chuyên gia y học nhận định là kẻ giết người thầm lặng do mức độ nguy hiểm của bệnh nhưng triệu chứng lại khó nhận biết. Tính đến nay, Việt Nam có khoảng 12 triệu dân mắc chứng cao huyết áp và trung bình, cứ 5 người trưởng thành sẽ có 1 người mắc chứng bệnh này. Căn bệnh cao huyết áp ngày càng trẻ hóa với số người mắc ở độ tuổi từ 25 trở đi ngày một đông, trở thành nỗi lo lắng của các gia đình và toàn xã hội.
Nguyên nhân gây bệnh cao huyết áp có lẽ sẽ làm bạn bất ngờ
Căn bệnh này có thể do không rõ nguyên nhân (cao huyết áp vô căn). Loại này chủ yếu là do yếu tố di truyền và phổ biến ở nam hơn ở nữ. Vậy, cao huyết áp có phải là bệnh di truyền hay không? Câu trả lời là có!
Bênh cạnh đó, căn bệnh tăng huyết áp có thể xuất hiện do hệ quả của những bệnh lý khác làm ảnh hưởng như u tuyến thượng thận, đái tháo đường, bệnh thận, bệnh tuyến giáp.
Phụ nữ mang thai cũng là đối tượng có khả năng cao mắc chứng bệnh này, đây là căn bệnh khá phổ biến xảy ra ở tuần thai thứ 20 trở lên nếu phụ nữ bị thiếu máu, nhiều nước ối, đa thai, phụ nữ còn quá trẻ hoặc quá cao tuổi mang thai, do có tiền sử bệnh cao huyết áp và tiểu đường trước đây,…
Lạm dụng thuốc tránh thai và một số loại thuốc khác cũng khiến sức khỏe suy giảm, nguyên nhân mắc bệnh cao huyết áp tăng lên.
Trẻ em dưới 10 tuổi cũng có nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp nguy hiểm nếu đang bị bệnh thận.
Đặc biệt, căn bệnh cao huyết áp còn dễ dàng xuất hiện ở những người có thói quen sống thiếu khoa học như thường xuyên rượu bia, thuốc lá, thức khuya, ăn uống không khoa học,….Đây cũng chính là nguyên nhân phổ biến khiến giới trẻ mắc bệnh cao huyết áp ngày một tăng lên. Nói cách khác, có lối sống không lành mạnh và không biết tự chăm sóc chính là nguyên nhân hàng đầu khiến sức khỏe suy giảm. Tuy ai cũng biết điều này nhưng điều chỉnh lối sống là một điều khá khó khăn!
Tìm hiểu thêm bệnh Thrombophilia để biết cách phòng ngừa nhanh chóng
Những triệu chứng nào để phát hiện được bệnh cao huyết áp?
Như đã nói ở trên, bệnh cao huyết áp là “kẻ giết người thầm lặng”. Do đó, triệu chứng cao huyết áp khi bệnh mới bắt đầu thường khó nhận biết. Đa phần người bệnh khi đã mắc cao huyết áp lâu ngày, bệnh có những biến chứng nguy hiểm thì mới phát hiện ra. Lúc này, các biến chứng nguy hiểm như đột quỵ và tim mạch xuất hiện, có thể khiến sức khỏe suy giảm nhanh chóng và có thể nguy hại tính mạng bất cứ lúc nào.
Ở một số người, bệnh cao huyết áp có thể làm xuất hiện những cơn đau đầu, chảy mau cam và cơ thể cảm thấy đuối sức, thường xuyên mệt mỏi hơn trước. Vì thế, khi thấy sức khỏe có những bất thường, hãy mau chóng đi gặp bác sĩ và đừng quên việc khám định kỳ 6 tháng/1 lần sẽ giảm thiểu tối đa rủi ro mắc bệnh tăng huyết áp cho mọi người.
Biến chứng có khả năng cao sẽ xuất hiện do mắc bệnh tăng huyết áp
Nếu để lâu không điều trị hoặc tự ý chữa trị không đúng phương pháp, căn bệnh cao huyết áp sẽ để lại nhiều triệu chứng nguy hại:
+ Suy tim bởi tim không bơm đủ máu đáp ứng nhu cầu cơ thể. Lúc này, quả tim sẽ hoạt động yếu hơn và dễ dàng gây ra những cơn đau tức.
+ Suy thận cũng là biến chứng nguy hiểm do các mạch máu bị hẹp.
+ Phình động mạch có thể sẽ xảy ra ở bất cứ động mạch thuộc khu vực nào trong cơ thể. Nếu bị biến chứng này, tình trạng chảy máu nội bộ có khả năng cao sẽ xảy ra và đe dọa trực tiếp đến tính mạng bệnh nhân.
+ Nhồi máu cơ tim và đột quỵ là biến chứng phổ biến và cũng cực kỳ nguy hiểm có thể xuất hiện với các bệnh nhân cao huyết áp. Do động mạch bị hẹp dẫn đến lượng máu lưu thông khó khăn đến các cơ quan, gây ra các cơn đau và đột quỵ bất ngờ làm bệnh nhân không kịp trở tay.
+ Mù lòa hoặc suy giảm thị lực do các mạch máu bị vỡ hoặc chảy máu.
Đối tượng nào có nguy cơ mắc cao huyết áp lớn nhất?
Về đối tượng mắc bệnh, các chuyên gia y tế và bác sĩ cũng nhận định rằng một số đối tượng có khả năng cao là do nguyên nhân chủ quan và một số nguyên nhân khách quan tác động:
+ Nguyên nhân chủ quan:
- Những phụ nữ cao tuổi mang thai hoặc phụ nữ còn quá nhỏ, dưới 18 tuổi.
- Người cao tuổi, từ 45 tuổi trở lên có nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp lớn hơn người trẻ tuổi.
- Tiền sử gia đình có cha mẹ, anh chị mắc bệnh cao huyết áp. Căn bệnh này có khả năng di truyền.
+ Nguyên nhân khách quan:
- Thừa cân béo phì, lười vận động.
- Chế độ ăn uống không khoa học, thường xuyên ăn nhiều chất béo động vật, thức ăn nhiều đạm và ít bổ sung vitamin, chất xơ.
- Tiêu thụ quá nhiều rượu bia, thuốc lá và các chất kích thích khác.
- Ăn quá nhiều muối.
- Thường xuyên áp lực, căng thẳng thần kinh.
Hướng dẫn uống bột sắn dây đúng cách để tốt cho sức khoẻ và giảm cao huyết áp
Cách điều trị cao huyết áp có khó không?
Không có bác sĩ nào hiểu bạn hơn chính bản thân bạn! Đây chính là lý do mỗi chúng ta đều nên tự bảo vệ sức khỏe của bản thân và khi phát hiện các triệu chứng bất thường, hãy đi khám và điều trị ngay!
Việc cân bằng huyết áp luôn ở mức dưới 140/90 mmHg với người bình thường và dưới 130/80 mmHg với người bị thận mãn tính là điều cần thiết. Để biết huyết áp bản thân là bao nhiêu, có thể tự thực hiện đo huyết áp tại nhà hoặc đến trung tâm y tế kiểm tra định kỳ.
Để điều trị bệnh cao huyết áp an toàn và hiệu quả, đừng bao giờ quên việc:
+ Thay đổi lối sống khoa học hơn
Bệnh cao huyết áp sẽ có chuyển biến tích cực nếu lối sống khoa học hơn. Hãy tự kiểm soát lượng huyết áp của bản thân bằng cách ăn uống điều độ, không ăn quá mặn và cân bằng dinh dưỡng hợp lý, hạn chế chất kích thích. Siêng năng thể thao và đi ngủ sớm cũng là giải pháp hiệu quả nhất với bệnh cao huyết áp.
Nếu sau khi điều chỉnh chế độ sống, huyết áp của bạn nằm ở mức an toàn thì cũng đừng quên duy trì lối sống lành mạnh đó để có được sức khỏe bền vững hơn. Đừng lơ là sức khỏe của mình bởi nếu bạt mạng kiếm tiền mà không chăm lo sức khỏe, chỉ khoảng một vài năm bạn sẽ nhận ra mình mất đi nhiều hơn là có được.
+ Điều trị bệnh cao huyết áp bằng thuốc
Với các trường hợp huyết áp đã khá cao và cần điều trị để tránh biến chứng, bệnh nhân sẽ được bác sĩ kê toa tùy vào cơ địa và mức độ bệnh. Những loại thuốc có tác dụng hạ huyết áp sẽ được áp dụng như: Thuốc giãn mạch, thuốc lợi tiểu, ức chế Beta, ức chế hấp thụ canxi,….
Bác sĩ sẽ kê toa và theo dõi quá trình điều trị, bệnh nhân đi tái khám theo lịch để được kiểm soát huyết áp nằm ở mức an toàn và tăng/giảm liều lượng thuốc phù hợp để quá trình điều trị mang lại kết quả tốt nhất.
+ Điều trị trong trường hợp khẩn cấp
Với các bệnh nhân bị cao huyết áp đi kèm biến chứng, bệnh tình trở nên nghiêm trọng làm ảnh hưởng sức khỏe và tính mạng thì cần nhanh chóng nhập viện cấp cứu. Bác sĩ tiến hành theo dõi tình trạng mạch máu và tim, cung cấp thuốc hoặc các giải pháp tạm thời để bệnh nhân ổn định huyết áp.
>>>> Lưu ý: Dù là điều trị bằng phương pháp nào, người bệnh cũng nên song hành phương pháp điều trị và lối sống khoa học. Để có được sức khỏe tốt, đừng quên sống lành mạnh hơn mỗi ngày.
Bài viết của DNA Testings cung cấp cho bạn đọc thông tin đầy đủ và chính xác về căn bệnh cao huyết áp – Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị cùng một số thông tin hữu ích liên quan. Hy vọng bạn đọc sẽ có được các kiến thức để tự bảo vệ sức khỏe của mình, tránh xa căn bệnh cao huyết áp nguy hiểm.